“Thương những miền qua”: Những chuyến đi về đầy nỗi nhớ của tác giả Nguyễn Thị Hậu
Đọc Sách

“Thương những miền qua”: Những chuyến đi về đầy nỗi nhớ của tác giả Nguyễn Thị Hậu

Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chính thức giới thiệu tùy bút “Thương những miền qua” của tác giả Nguyễn Thị Hậu.

Giọng văn tự sự đậm chất Nam bộ, với cách kể chuyện rủ rỉ tâm tình, gây nhớ, gây thương, và gây ngẫm ngợi của tác giả … chữ “thương” được ẩn mình trong từng dòng viết. Sách dày hơn 250 trang gồm 36 bài viết kể về những miền đất đi qua đọng lại muôn vàn thương nhớ của Nguyễn Thị Hậu. Ngay ở đầu trang sách, tác giả giới thiệu “Quê tôi ở miền Tây, tôi sinh ở Hà Nội và sống ở Sài Gòn”. Ngay từ thuở bé ở Hà Nội, dù chưa từng được thấy quê nội và quê ngoại nhưng truyền thống gia đình Nam bộ lưu giữ cho Nguyễn Thị Hậu một tình yêu quê hương hồn nhiên, thương về cội rễ. Nghề khảo cổ học cho tác giả những thấm thía nghĩ suy về giá trị của những cổ vật trong lòng đất ở ngay trong lòng đô thị Sài Gòn và vùng ven đô Sài Gòn hay những vùng miền đất cổ ở đồng bằng sông Cửu Long. Hơn thế nữa, tác giả đã có những chuyến đi khảo sát và nghiên cứu trải dài trên dọc đường của đất nước, kể cả những chuyến đi ở nước ngoài.

Có thể kể đến những bài viết như: Quê tôi ở miền Tây; Tàu lá chuối và những Tết xa quê; Rưng rưng nhớ “Miền nước nổi”; Những chuyến tàu nối quá khứ với tương lai; Từ biệt những chuyến phà; Dòng sông mang tên thành phố; Ước mơ Metro thành phố; “Cây cầu tình yêu” ở Sài Gòn; Di sản Hà Nội trong ngày hôm nay; Một dòng xanh tuyệt vời của Huế; Sống qua ngày đại dịch… Và có dịp đến những miền đất trên thế giới, Nguyễn Thị Hậu có dịp ghi lại như: Ấn Độ vùng đất quyến rũ và đầy sức sống; Notre-Dame de Paris nơi dừng chân của ký ức; Lâu đài Amboise và danh họa Leonardo da Vinci…

Gắn bó với Sài Gòn, tác giả cảm nhận từng khoảnh khắc thay đổi, giao mùa. Những ngày đầu mùa mưa ở Sài Gòn, chỉ một cơn gió nhẹ lướt qua là những cánh hoa dầu lao xao bung mình nhẹ nhàng bay trong gió làm lòng ta xao xuyến đến lạ. Như một dòng chảy thời gian, Sài Gòn mang bản sắc là một đô thị sông nước. Từ những dòng sông, con kênh, cây cầu, những chuyến phà, chuyến tàu giao thông tấp nập, cho đến các công trình kiến trúc đặc trưng. Ở đó có sự giao thoa cũ – mới, giữa phát triển – giữ gìn các giá trị truyền thống… Không nằm ngoài quy luật phát triển, những dấu ấn xưa đang dần nhường chỗ cho sự đổi thay phát triển nhanh chóng của thành phố. Nhắc nhớ và thêm trân trọng những biểu trưng của thành phố này, nơi hợp lưu các dòng chảy văn hóa. Những cây cầu cổ hay còn được xem là “cây cầu tình yêu” trở thành không gian nối liền quá khứ với hiện tại, tăng thêm tình cảm của mọi người dân và du khách đối với thành phố. Hay từ biệt những chuyến phà kỷ niệm để thay thế bằng những cây cầu hiện đại phục vụ việc rút ngắn lộ trình giao thông. Sẽ sớm thôi, những chuyến tàu Metro hiện đại sắp đi vào hoạt động, người dân thành phố thắp lên niềm tin từ đây sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian trong cuộc sống và mưu sinh hàng ngày.

Đến với Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) như trở về miền ký ức ngọt ngào và bí ẩn kiến trúc đồ sộ của nhà thờ như một cái bóng khổng lồ đè lên số phận của chàng gù Quasimodo nhân hậu, nàng Esmeralda tài hoa xinh đẹp. Đi qua vùng đất sông Hằng đề viếng đền Taj Mahal chứng kiến tình yêu bất tử của vị vua Shah Jahal dành cho người vợ thông thái yêu quý của mình. Đặt chân đến với Lâu đài Amboise và tìm hiểu các sáng tác của danh họa Leonardo da Vinci… 

“Thực ra, Hậu không chỉ đi qua, mà là đi đến và cũng là đi về miền đất quê hương, nơi cha sinh mẹ đẻ. Và Hậu đã không ngừng đi, không chỉ đi, trên dọc dài đất nước mình. Để rồi, tất cả sự đi chứa chan cảm xúc ấy, đã lên hương, thành tình tự, ngụ trong một chữ thương. Bởi vậy, chữ thương ngự ngay tên sách của Hậu: Thương những miền qua. Vì thế, sách có chữ thương này rất có thể động lòng người chịu đọc nó. Bởi lẽ, người đọc nào mà chẳng thương miền đất đã sống, thương miền đất sắp đến và thương về miền đất mình sẽ trở lại – nơi quê hương nguồn cội”. – PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.