Đọc Sách Thư Giãn

Giới thiệu sách “Phượng ca” của Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Phượng ca là quyển sách mới nhất của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM ấn hành vào đầu tháng 11.2019. Tập tản văn này còn được vị nhạc sĩ gọi là quyển hồi ức từ khởi đầu của bài viết đầu tiên của chính ông trên báo Mực Tím.

Với những người đang xuân trẻ, người đã và sắp già, có lẽ, dấu ấn của ngày thơ ấu, của giai đoạn chập chững vào đời đầy bỡ ngỡ ở bậc học cấp 3 thơ mộng luôn đong đầy trong miền ký ức, trong tâm trí.

Hay như cách nói của tác giả, sau lưng mỗi người, luôn có một quãng đời mà người ta gọi là ngày xưa. Có người, sẽ có một tuổi thơ chứa chan màu hồng của tình yêu thương gia đình, song cũng có người, tuổi thơ ấy chưa thật sự bằng an và hạnh phúc.

Trong miền ký ức của Phưng ca tập hợp những câu chuyện từ thuở ấu thơ, tuổi học trò thơ mộng và chặng đường trở thành nhạc sĩ của tác giả Vũ Đức Sao Biển như: Làng tôi, Người cho mượn áo, Lại… cấm túc, Bạn tôi, Cá sông quê, Học đàn qua cửa sổ, Tôi thành nhạc sĩ…

Để hoàn thành quyển hồi ức này, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết, đã cố gắng lục lọi những trang rời trong miền ký ức, trong cái khu vực vô thức vốn từ lâu đã ngủ yên, là tập tản văn hồi ức này được viết hướng đến các bạn độc giả trẻ, các bạn học sinh trung học.

“Ngày nay, cái học, cái vui chơi của các bạn có thể khác cái học, cái vui chơi của chúng tôi ngày xưa, nhưng tựu trung, mỗi đời người trong chúng ta đã trải qua một thời trung học thú vị”, nhạc sĩ Sao Biển viết trong phần giới thiệu,“Trong tập sách này, có những trang viết tỏa rạng niềm vui rực rỡ; có những trang viết nỗi đau chi xiết mênh mông. Nhưng ngay trong niềm vui hay nỗi đau, tôi vẫn cảm thấy cái hạnh phúc kỳ diệu khi được sống và làm người. Bởi chỉ có con người mới cảm nhận được những trải nghiệm ấy”.

Cũng bởi, tuổi học trò của những người thiếu niên năm ấy cũng nghịch ngợm nhiều trò lắm chứ. Những giờ chép phạt, những vút roi mây giáng “chưởng” của thầy giám thị đúng tội vừa bi vừa hài, không ít giờ cấm túc tự suy ngẫm lại mình. Các cậu học trò ấy đã trải qua thời niên thiếu cũng không ít sóng gió nhưng bù lại học hành rất ngon lành, chỉ vì những bồng bột nghịch phá tuổi học trò mà thôi.

Trong tập tản văn này, tác giả – nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng gửi tặng đến quý độc giả hai ca khúc, hai bản tình ca mà ai từng ngồi trên ghế nhà trường ở những năm 1968 không thể nào quên là “Thu, hát cho người” và “Phượng ca” với ứng dụng QR code.

Ở những trang cuối cùng của tập tản văn, cụ thể là ở tác phẩm “Tôi thành nhạc sĩ”, chúng ta sẽ phần nào hiểu được cơ duyên ra đời của bản tình ca “Thu, hát cho người”, cơ duyên đưa tác giả Sao Biển trở thành một nhạc sĩ, hiểu hơn về một người con gái, là bạn cùng quê, nhân vật chính và là xúc tác, là nhân vật trung tâm của nhiều ca khúc vốn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển từ những năm 1968 như Phượng Ca, Chiều về; Đường mơ, Cõi tiêu dao; Người xưa; Phố Hoài; Đôi mắt…

Nhưng khi được hỏi, yêu và thích tác phẩm nào nhất, tác giả nói vẫn yêu “Thu, hát cho người” nhất. Tại sao? Theo tác giả, bởi vì ngày ấy, tôi chưa bao giờ nói tiếng yêu bạn. Đó là ngôn ngữ vô thanh.