Tết Nguyên Đán là thời điểm thiêng giao hòa trời với đất, nối kết sợi dây tình cảm thân ái với gia đình, gia tộc, bạn bè thân hữu, láng giềng và cộng đồng…Trong tập sách Khảo luận về Tết của NNC Huỳnh Ngọc Trảng mang đến cho bạn đọc điểm nhìn tổng quan về Tết. Có thể xem Tết như một chuỗi nghi lễ từ các nghi lễ kết thúc năm cũ (chung niên) và các lễ đón mừng năm mới (tất niên) còn được xem là thời điểm tống cựu nghinh tân (đón những điều mới tốt đẹp và trừ bỏ những cái cũ xấu). Điển hình như tiễn Ông Táo về Trời, tảo mộ những ngày cận Tết, lễ rước ông bà, tiễn Thần Phật, tục xông đất đầu năm, …
Trong dân gian có câu “Ba ngày Tết, bảy ngày xuân”, song ngày xưa việc “ăn Tết” bắt nguồn từ cuối tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng, thậm chí hết tháng Giêng nên thường gọi “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Xu hướng Tết trong thời buổi hiện đại ngày nay đơn giản hóa hơn và có phần rút ngắn hơn để bắt kịp nhịp sống hiện đại. Không khí mùa xuân bắt đầu rộn ràng từ những ngày giáp Tết. Lúc ấy, nhà nhà lau dọn để sắm sửa đồ mới, bàn thờ gia tiên được lau dọn sáng bừng, những mâm bánh trái được đơm đầy, những phiên chợ đông đúc người mua đồ ăn để mấy ngày Tết ấm no, không khí gói bánh chưng bánh tét, nồi thịt kho hột vịt óng ánh vàng bên bếp lửa hồng, người lớn và trẻ con được dịp sắm quần áo mới, mua những bức thư pháp hay câu đối mang lời chúc tụng, những chậu hoa được sắm về trang hoàng làm thoảng hương Tết gần hơn nữa.
Những ngày đầu năm, chúng ta cùng chúc nhau những lời hay ý đẹp với ước vọng năm mới nhiều điều tốt đẹp và may mắn. Những ngày sum họp họ hàng thường gói gọn trong ba ngày như: Mùng Một Tết Cha/ Mùng Hai Tết Mẹ/ Mùng Ba Tết Thầy.
Những đứa trẻ nô nức vui đùa, tập hợp xếp hàng chúc Tết các bậc cao niên như ông bà, cha mẹ và những người lớn… trẻ con được mừng tuổi bằng những phong bao lì xì đỏ thắm mang hàm ý chúc mừng cát tường như ý.
Những trò chơi truyền thống dịp Tết ngày xưa vốn là sợi dây kết nối vòng tròn văn hóa vô hình kết nối cộng đồng từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Trong sách Đồng dao và trò chơi truyền thống do NNC Huỳnh Ngọc Trảng (chủ biên) nhắc đến trò chơi truyền thống mang tính chất của một nghi thức xã hội nhằm biểu đạt nguyện vọng và điều cầu mong chung của cộng đồng, góp phần tang cường sự đồng nhất văn hóa, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên của cộng đồng. Có thể kể đến các trò chơi dành cho từ người lớn đến trẻ em như trò đánh đu, bịt mắt bắt dê, thi tài khéo, thi cỗ (thổi cơm thi), xúc xắc xúc xẻ, bịt mắt đập niêu, chơi pháo đất, ném còn, kéo co, đua thuyền, hát bài chòi, trò chơi cờ người, chơi cờ và chơi bài (cờ tướng, tứ sắc, tam cúc, xóc dĩa… sau này có lô tô)….
Còn nhớ về trò chơi kết hợp bài hát đồng dao ví như trò chơi Xúc xắc xúc xẻ mà hiện nay không thấy xuất hiện ở cuộc sống thường nhật nữa, nó bị mất đi độ vài chục năm nay. Xưa kia, vào đêm Giao thừa 30 Tết, các tốp thiếu niên, có khi có cả một số thanh niên, mang theo một ống luồng hay ống bương nhỏ, dài độ 3-4 đốt luồng, đến trước cửa từng nhà một, vừa lắc ống buông loảng xoảng những đồng tiền xu, vừa hát:
“Xúc xắc xúc xẻ/ Nhà nào còn đèn/ Còn lửa, mở cửa cho anh em chúng tôi vào/ Bước lên giường cao/ Thấy đôi rồng ấp/ Bước xuống giường thấp/ Thấy đôi rồng chầu/ Bước ra đằng sau/ Thấy nhà ngói lợp/ Voi ông còn buộc/ Ngựa ông còn nằm/ Ông sống một trăm/ Linh năm tuổi lẻ/ Vợ ông sinh đẻ/ Những con tốt lành/ Những con như tranh/ Những con như vẽ…”
Hết bài lại hát từ đầu, đến khi các nhà mở cửa cho tiền vào ống mới đi đến nhà khác. Trò chơi luật lệ này có kết hợp bài hát mang tính chúc tụng may mắn mở đầu năm mới.
Hiện nay, các địa phương và trường học cũng rất nỗ lực tái hiện và đưa một số trò chơi dân gian vào các lễ hội. Dẫu vậy, trò chơi dân gian không còn phổ biến nhiều để được vận dụng thường xuyên trong các hoạt động văn hóa vui chơi trong cộng đồng.
Mùa xuân này, mời quý bạn đọc cùng khám phá trong tập sách Ăn Tết chơi Tết miền Tây của tác giả Trần Minh Thương và hình dung một cách sinh động trong cái không khí, hương vị, sắc màu một cái Tết miền sông nước thuở xa xưa nhưng vẫn còn lưu luyến đến tận hôm nay.
Đã từ rất lâu, cứ vào dịp Tết đến xuân về, người dân miền Tây Nam bộ lại bắt đầu những công việc với họ chưa bao giờ là cũ, là hết thú vị mà luôn tràn đầy sự háo hức, vui tươi. Khi xuân đã nhẹ nhàng báo hiệu trên những vồng cải, bụi chuối, luống hoa vào vụ Tết, người ta bắt đầu chuẩn bị nếp gạo để gói bánh, tráng bánh, làm mứt, làm dưa, rồi chuẩn bị tảo mộ, quét dọn sửa sang nhà cửa, trang trí bàn thờ trong nhà ngoài sân… Theo đặc điểm tập quán từng vùng miền, cái cách ăn Tết, chơi Tết mỗi nơi mỗi khác. Cách người miền Tây Nam bộ Tết nhà, Tết vườn, Tết giếng, Tết ghe, tết Trâu, cúng ông Chuồng bà Chuồng, cúng ghe… là những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp từ ngày xưa. Người dân miền sông nước ăn Tết, chơi Tết tuy bình dị nhưng rất kỹ lưỡng và chu toàn cả về mặt tâm linh lẫn cách đối nhân xử thế trong nghĩa tình làng xóm.
Mênh mang sông nước Hậu Giang/ Tết quê đọng lại chứa chan mấy dòng!
Một số điểm nổi bật trong Ăn Tết chơi Tết miền Tây chính là những chuyện chăm chút để đón Tết như: Tự làm mới để đón Tết ngày xưa; Trồng trọt chăn nuôi chờ ăn Tết; Lặt lá mai, tỉa hàng rào, sửa nhà cửa; Bánh tét và chuyện hùn gói bánh cúng ông bà; Bàn thờ ngày Tết, Quết bánh phồng; Chia thịt heo ăn Tết; Món ngon ngày Tết; Nấu rượu, làm lão tử; Tục chạp mả và cúng cô hồn ngày Tết; Cúng ghe, Tết ghe…
Không thể bỏ qua nét đặc sắc cảnh người dân đi chợ Tết trên chợ nổi miền Tây. Khoảng từ rằm tháng Chạp trở đi, chợ nổi đã tấp nập ghe xuồng lên xuống hàng để phục vụ bà con. Cả quãng sông dài vài cây số tấp nập ghe xuồng, rộn ràng tiếng nói vang cả mặt sông: tiếng gọi hàng í ới, tiếng hô tránh đường, tiếng máy nổ, tiếng chèo rẽ nước, tiếng người chào nhau,…
Ghe bán hàng thì neo đậu chất đầy những hàng hóa thiết yếu như: bánh mứt, hoa quả, vải vóc, quần áo đến dưa hấu, chuối xiêm, dừa tươi, bắp cải, củ hành, củ kiệu…
Những chiếc xuồng ba lá thoăn thoăn thoắt hai mái chèo của những cô gái mặc áo bà ba, nón lá quai hường đi chợ về ăn Tết. Dấu ấn văn hóa dân gian ẩn chứa nhiều điều thú vị ở những phiên chợ nổi ngày Tết.
Bản thân Tết là một điểm nổi bật về văn hóa, văn hóa cũng luôn luôn cập nhật và thay đổi liên hồi theo nhịp sống. Có phải chăng Tết cũng thay đổi ? Theo vòng quay thời gian, Tết thay đổi để hợp lòng người, hợp lòng thời đại. Nhưng chúng ta tin chắc rằng: Tết sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống và trong trái tim mỗi người con nước Việt.
Trở lại với chuyện ngày Tết, trong lòng chúng ta luôn hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Một năm mới trọn vẹn là khi gia đình quây quần bên nhau với những món ăn thơm thảo đậm vị quê nhà. Đó là một khoảnh khắc vô cùng quý giá. Thời điểm chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất, những điều không vui năm cũ bỏ qua. Những ngày nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm công việc bộn bề. Nhìn nhận lại nhiều điều và đặt ra những ước vọng và phấn đấu sang năm mới.