Tối 10/10, nữ ca sĩ Phúc Anh và ekip đã chính thức cho ra mắt album Thena cũng như phát hành MV Thena sau quãng thời gian dài ấp ủ sản xuất. Với sản phẩm lần này, Phúc Anh và ekip muốn ghi đậm dấu ấn với chất liệu âm nhạc cinematic. Có thể xem đây là luồng gió mới của làng nhạc Việt, khi nữ ca sĩ giới thiệu đến công chúng một chất nhạc lay động về cảm xúc, gợi mở về không gian cũng như lối kể chuyện đầy cuốn hút tựa một cuốn phim.
Về ca khúc và MV Thena: Âm hưởng bộ lạc, thế giới huyền thoại được xây dựng khiến khán giả bất ngờ
Bài hát và MV Thena – cũng là single chủ đạo của album lần này được cảm hứng từ câu chuyện có thật về một bộ lạc rất lâu đời trong rừng già Amazon, theo truyền thuyết họ đã có mặt trên trái đất hàng chục nghìn năm trước. Bộ lạc này có điểm đặc biệt khi chỉ có phụ nữ, không có bóng dáng đàn ông. Bởi vì đây là bộ lạc nơi phụ nữ là chủ thể, họ làm chủ mọi thứ nơi này. Vì không có bóng dáng đàn ông nên phụ nữ nơi này rất độc lập, mạnh mẽ, họ tự săn bắt hái lượm và sinh tồn và có lối sống như những chiến binh.
Để duy trì nòi giống, họ sẽ tìm một chàng trai nơi bộ lạc khác mà họ cảm thấy hài lòng nhất, sau đó bắt cóc chàng trai về bộ lạc của mình để thực hiện nhiệm vụ sinh nở. Anh ta sẽ ở đó và bị canh gác nghiêm ngặt cho đến khi thực hiện xong nhiệm vụ và được thả trở về rừng. 9 tháng 10 ngày sau, đứa bé được sinh ra, nếu đó là con gái thì sẽ được giữ lại nuôi dưỡng, ngược lại nếu là con trai sẽ bị mang đem cho bộ lạc khác nuôi nấng. Bởi họ không bao giờ phạm vào nguyên tắc: tuyệt đối không có bóng dáng đàn ông nơi này.
Câu chuyện trong MV được lấy cảm hứng từ câu chuyện của bộ lạc trên. Một ngày kia, khi có một chàng trai bị bắt cóc về nơi này, anh ta cương quyết từ chối thể hiện tình cảm hay thực hiện “nhiệm vụ” với phụ nữ của bộ lạc này. Nét tuấn tú của chàng trai lại khiến những trái tim sắt đá của các nữ chiến binh “rung động”. Trong những ngày đêm bị giam cầm, anh ta vẫn ngày đêm gọi tên Thena – vị nữ thần của phồn vinh, trí tuệ và hạnh phúc – người khiến anh si mê bằng cả tâm hồn và tính mạng. Các cô gái bộ lạc ganh tỵ và đau khổ bởi không thể có được tình yêu của chàng trai dù đã tìm mọi cách, kể cả những phương thức cứng rắn của các nữ chiến binh. Cái kết của MV cũng gợi nhiều suy ngẫm nơi khán giả.
MV Thena được thực hiện bởi ekip của đạo diễn Ứng Duy Kiên. Đây là tên tuổi quen thuộc từng thực hiện loạt MV của Tóc Tiên, Soobin, Trúc Nhân, Chipu. Từ những ý tưởng trao đổi cùng Phúc Anh, liên tưởng về hình tượng bộ lạc và phong cách cinematic, Ứng Duy Kiên cùng các cộng sự đã xây dựng thế giới bộ lạc sôi động với những vũ đạo đặc trưng, nhưng cũng không thiếu những câu chuyện nhỏ, tương tác cảm xúc trong bộ lạc đó. Các cảnh quay đều được thực hiện trong bối cảnh studio và được thiết kế props set cầu kỳ hoành tráng. Sau đó là quá trình xử lý hiệu ứng và màu sắc, để đảm bảo không khí bộ lạc vừa quen thuộc nhưng cũng rất riêng biệt chỉ có tại Thena.
Album Thena: Hành trình tìm lại bản thân được khắc họa bằng âm nhạc giàu chất điện ảnh
Album Thena như một cuốn nhật ký kể về hành trình của một con người. Từ những lúc thơ ngây như 1 đứa trẻ, mơ mộng những điều tươi đẹp ở thì tương lai trong Em Mới Mỗi Ngày cho đến những những rung động đầu đời của Kẻ Cắp Em. Hành trình đó cứ lớn lên dần cùng với những trải nghiệm của tuổi trưởng thành khi cô gái ấy bắt đầu bước vào giai đoạn nổi loạn của Thena, Hoa Của Rừng,… Những nổi loạn luôn kèm theo những đau khổ được Phúc Anh khắc hoạ trong Mùa Thứ 5 và Em Vẫn Còn Thương Anh.
Hành trình của một con người sẽ thực sự viên mãn khi chúng ta quay về với thực tại, với đứa trẻ trong mình, hiểu ra được sứ mệnh trong cuộc đời mình để cuối cùng tìm về với bản thể lương thiện và trong sáng nhất của chúng ta. Quay về với những thứ tự nhiên hoang sơ như những ngày sơ khai của con người trong Trở Về Không, cũng là track nhạc mang nặng tính tượng trưng trong album.
Hành trình sẽ đi dần đến hồi kết, khi bản thể nhận ra chúng ta chỉ là Kẻ Chăn Cừu Đơn Độc trong thế giới này. Và tất cả sau cùng vẫn là lời Cảm Ơn cuộc đời, cám ơn tất cả những người đã đến và đi trong đời mình, mỗi sự gặp gỡ và chia ly đều do nhân duyên mà hợp thành. Tất cả đã được Phúc Anh gửi gắm trong ca khúc cuối cùng của album với tựa Thank You.
Sản xuất chính cho album Thena là cái tên Trần Hữu Tuấn Bách, anh sinh năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong một gia đình âm nhạc. Bách được học Piano từ khi lên 8 tuổi. Sau đó, Trần Hữu Tuấn Bách bắt đầu theo học chuyên ngành Piano chính quy tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã tham gia các chương trình biểu diễn Piano Festival được tổ chức tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, và được biết đến nhiều nhất với cái tên “nhạc sĩ của những bản nhạc phim”. Em là bà nội của anh, Tiệc trăng máu, Em và Trịnh là những bộ phim mà Trần Hữu Tuấn Bách tham gia sản xuất. Trần Hữu Tuấn Bách có cuộc gặp gỡ với Phúc Anh như một cái duyên và nhìn thấy khả năng tiềm ẩn, giàu cảm xúc trong giọng hát của nữ ca sĩ. Một cách thuận lợi, phong cách âm nhạc cinematic mà Phúc Anh theo đuổi cũng là thứ âm nhạc mà Bách đã “ăn ngủ” cùng trong suốt 10 năm qua. Nhưng phải đến Thena, một album độc lập chứ không hề gắn liền với bộ phim nào cả, Trần Hữu Tuấn Bách mới có cơ hội bộc lộ hết những gì tinh tuý nhất của anh cho phong cách này.
Phúc Anh và niềm đam mê theo đuổi phong cách cinematic
Phúc Anh tên thật là Trần Thị Hồng Phúc sinh năm 1992 trong một gia đình gia giáo, bố mẹ cô làm trong ngành giáo dục và không có ai theo đuổi con đường nghệ thuật. Tuy vậy, ngay từ nhỏ cô đã sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê ca hát của mình.
Nhận được sự ủng hộ, động viên từ phía người thân trong gia đình Phúc Anh quyết tâm theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp mặc dù trước đó, cha mẹ lại muốn hướng nữ ca sĩ theo học về tài chính ngân hàng. Cô từng xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và vừa tốt nghiệp xuất sắc. Cô đồng thời cũng là nữ sinh thủ khoa đầu ra của Đại học Văn hóa Nghệ Thuật Thanh Hóa. Cô được biết đến là học trò của NSND Tạ Minh Tâm và đã cùng thầy của mình có màn song ca vô cùng ấn tượng tại đêm trao giải Mai Vàng 2022.
Sở hữu giọng hát đặc biệt và những thành tích ấn tượng, nhưng Phúc Anh không chạy theo kiểu âm nhạc thịnh hành mà chọn cho mình 1 phong cách khá đặc biệt và mới mẻ – Cinematic. Được biết, cinematic là một phong cách âm nhạc được tạo nên bởi sự pha trộn tổng hòa giữa nhiều thể loại khác nhau như Ballad, Pop, Jazz, Rock, cổ điển kết hợp đương đại… mang tính gợi hình cao, mỗi tác phẩm đều được liên tưởng tới những thước phim điện ảnh thông qua sự khắc họa tài tình của âm nhạc. Đó cũng là lý do mà công chúng thường quen gọi cinematic là âm nhạc điện ảnh. Phong cách này đã có mặt trên thế giới từ cuối thế kỷ 19, khi bắt đầu có sự xuất hiện và phát triển của điện ảnh.
Chọn 1 hướng đi khá mạo hiểm nhưng Phúc Anh lại thấy hạnh phúc vì đây mới thật sự là điều cô thích và mong muốn được chinh phục trong tương lai. Phúc Anh tâm sự: “Có lẽ do một phần bản tính Phúc Anh là người không thích chọn làm việc gì dễ, từ bé tới lớn tôi luôn chọn những thứ khó nhằn để thử thách bản thân. Còn nói về cinematic thì mình đã biết tới nhiều năm trước, mình nghe và thấy rất hay. Tôi tự hỏi tại sao không ai khai thác về nó? Nhiều năm vẫn không thấy ai khai thác. Mà Phúc Anh trót yêu nó rồi nên quyết định sẽ khai thác luôn. Thực sự thì chúng ta có thể làm cinematic jazz, cinematic pop, cinematic ballad, R&B…
Thể loại nhạc nào cũng có thể làm cinematic thậm chí là nhạc tiền chiến hay cổ điển. Cái khó ở đây đó là tư duy của người làm về nó, nếu thực sự hiểu sâu và đam mê thì sẽ làm được. Cinematic nói đúng là 1 phong cách âm nhạc. Mà đã là phong cách âm nhạc thì có thể biến hoá trên đủ các thể loại. Rất phù hợp với sở thích muốn khai phá và tìm tòi của tôi. Bởi thế Phúc Anh quyết tâm sẽ ra mắt nhiều tác phẩm để khán giả có cái nhìn tổng quan hơn về cinematic.”