Ca khúc Những ngày Sài Gòn viết về tình người Sài Gòn – do nhạc sĩ Hoài An phổ từ thơ của nhà thơ Lâm Xuân Thi – được trình diễn ấn tượng trên sân khấu Paris By Night Xuân 2022.
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung thể hiện tác phẩm với dàn nhạc, hòa âm độc đáo, chủ đạo là giai điệu guitar, mộc mạc vẫn sang trọng.
Cùng với những hình ảnh đặc trưng của Sài Gòn xưa và nay trên sân khấu, giọng hát Nguyễn Hồng Nhung truyền tải nhiều cảm xúc: Có những ngày Sài Gòn. Tình như biển bao dung. Ai cũng là bè bạn. Ai cũng thành người thân. Có những ngày Sài Gòn. Ly cà phê buổi sáng. Mênh mang chuyện bao đồng. Những ngày Sài Gòn vui. Anh thấy mắt em cười. Anh nghe tay em ấm. Anh thấy mình khắp nơi…
Nhà thơ Lâm Xuân Thi từng chia sẻ: “Lâm Xuân Thi là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn!”. Khi được hỏi về nguồn cảm hứng để sáng tác bài thơ này, nhà thơ nói ngắn gọn: “Mình viết Những ngày Sài Gòn một phần vì mình là người Sài Gòn… mình sống trọn vẹn với Sài Gòn nghĩa tình, bao la và bao dung. Cảm ơn ca khúc “Những ngày Sài Gòn” đã được tham gia show Paris By Night Xuân 2022”.
Nhà thơ Lâm Xuân Thi
Nhà thơ Lâm Xuân Thi có không ít tác phẩm được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Các sáng tác của anh lan tỏa cảm xúc yêu đời, yêu người, lãng mạn và nhân văn.
Nhạc sĩ Hoài An sở hữu loạt ca khúc nổi tiếng, đoạt rất nhiều giải thưởng âm nhạc lớn.
Anh nói về cơ duyên phổ nhạc cho bài thơ Những ngày Sài Gòn: “Lần đầu khi đọc Những Ngày Sài Gòn (thơ Lâm Xuân Thi) tôi đã rất ấn tượng. Với tôi đó là một Sài Gòn nhiều hình ảnh, màu sắc, chân thành, đầy hoài niệm… Chất Sài Gòn càng đậm đà hơn ở đoạn:
Nhạc sĩ Hoài An
“… Có những ngày Sài Gòn
Tình như biển bao dung
Ai cũng là bè bạn
Ai cũng thành người thân
Có những ngày Sài Gòn
Thấy mình như ngồi không
Ly cà phê buổi sáng
Mênh mang chuyện bao đồng…”
Điều khó khăn khi viết nhạc cho Những Ngày Sài Gòn (NNSG) là bài thơ có nhiều khổ, tứ nào cũng hay cũng đẹp, thay đổi một chữ tôi cũng thấy uổng. Tôi cố gắng tìm ra một cấu trúc nhạc 2 phiên khúc A A’ gần nhau về hoà âm chỉ đổi vài nốt ở giai điệu; bên cạnh đó tôi viết 2 điệp khúc B1 B2, với B2 cao trào hơn hẳn. Hướng này giúp tôi chuyển tải toàn bộ các khổ thơ, về âm nhạc cũng có sự kết nối và tạo được cao trào cuối bài
Khi tôi gởi ca khúc này đến trung tâm Paris By Night, nhà sản xuất (chị Marie Tô) đã rất tâm đắc với lời thơ. Có thể nói NNSG là ca khúc phổ thơ đầu tiên của tôi được phát hành bởi một chương trình lớn, tôi nghĩ là có “duyên”.
Chia sẻ về thơ của Lâm Xuân Thi, Hoài An cho biết: “Thơ của anh Lâm Xuân Thi rất độc đáo mới lạ, bạn có thể chưa bao giờ đọc thơ anh ấy nhưng chỉ cần đọc vài bài sau đó bạn sẽ nhận ra ngay “phong cách” thơ của anh. Với tôi đó là những cách nhìn, góc nhìn rất khác, có chân thành, có hài hước (ý nhị), có chút… tưng tửng ở vài bài. Thơ của ảnh yêu ai thương ai rất hết lòng, nhưng khi “ghét” ai thì vẫn không thấy là… thực sự ghét. Chỉ đơn giản là buông tay, đặt xuống “Và xin thêm một cuộc đời vô can” (trích XIN, thơ Lâm Xuân Thi). Chính sự duyên dáng, tràn đầy bất ngờ đến cả những câu từ cuối bài, làm cho tôi luôn cảm thấy thú vị và thích thơ của anh Thi.
Hoài An tiết lộ thêm về dự án Thơ Ca – album nhạc phổ thơ Lâm Xuân Thi mà anh đang thực hiện: “Thơ Ca thật sự đang “dư” bài theo nghĩa một album nhạc, nhưng đang “thiếu” so với những bài thơ có nhạc tính của anh Thi mà tôi được xem. Tôi đã từng phổ thơ 2 bài, lần đầu khoảng năm 93-94, lần sau năm 2019 nhưng chưa bao giờ tiến hành sản xuất phát hành 2 bài này, nên Thơ Ca là album thơ và nhạc đầu tiên tôi thực hiện. Điểm đặc biệt là tất cả những bài thơ này (của nhà thơ Lâm Xuân Thi) tôi đều giữ nguyên vẹn bài thơ.
Ca sĩ Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ khi trình diễn Những ngày Sài Gòn: “Ca khúc Những Ngày Sài Gòn của nhạc sĩ Hoài An phổ thơ Lâm Xuân Thi ra đời là lúc Sài Gòn vừa đỡ đau sau cơn đại dịch.
Đối với Nguyễn Hồng Nhung, bài hát như một cuốn phim sống động gợi nhắc về một Sài Gòn thiệt đẹp trước cơn đại dịch. Có đắm say đầy tiếc nuối, có trầm lắng đầy hoài cảm và lẫn cả xót xa. Nhung tự nhủ trong lòng,,, hãy hát như thể hát cho những điều mất mát vĩnh viễn sau đại dịch trong đó có bạn bè, người thân và người thương của chị em mình. Hát như thể ru cho điệu buồn nhưng không luỵ, yêu thương xót xa nhưng không bi quan. Chia lìa nhưng đầy hy vọng vào một ngày mai.
Và Những Ngày Sài Gòn như cách hồi niệm tử tế của những người ở đây ru điệu ru tình ái màu dĩ vãng…
Cảm ơn nhạc sĩ Hoài An & nhà thơ Lâm Xuân Thi đã cho Nhung được trải lòng mình trong một tác phẩm ý nghĩa này”.