Giải trí Hậu Trường

Nguyễn Phương Điền: ‘Hoa hậu hay ca sĩ đều có thể đóng phim của tôi’

  • Anh đón nhận các phản ứng của khán giả thế nào sau gần 20 tập của phim “Lưới trời” lên sóng?

Tôi hạnh phúc vì phản ứng khán giả rất tốt. Gần đây, tôi có đi khảo sát một vòng sáu tỉnh miền Tây để chuẩn bị cho dự án phim Tết, tôi nghe được nhiều phản hồi tích cực của khán giả ở nhiều độ tuổi. Họ nói thích câu chuyện của Lưới trời, phim có bối cảnh đẹp.

Khi khán giả xem phim xưa, thấy bối cảnh là nghĩ ngay đến Nguyễn Phương Điền. Tôi hạnh phúc về điều đó. Chính là sự đón nhận thành quả lao động của khán giả dành cho ekip là động lực để tôi cố gắng, phấn đấu nhiều hơn. Tôi sẽ còn nghiên cứu về đề tài phim xưa, học hỏi nhiều hơn, để tạo ra con đường riêng biệt cho mình.

  • Với anh, khó khăn lớn nhất khi thực hiện phim xưa là gì?

Đó là vấn đề kinh phí. Để tạo dựng lại được một bối cảnh xưa không chỉ đòi hỏi về kinh phí mà còn phải có sự tìm tòi, đi khảo sát rất nhiều tháng để chọn địa điểm thích hợp, cân đo để có thể tiết kiệm thêm chút kinh phí. Phim hiện đại thường có bối cảnh sẵn, còn phim xưa phải có tính phát hiện, tìm tòi những ngóc ngách còn sót lại, từ đó tìm cách phục dựng. Chẳng hạn như trong Lưới trời, tôi mất nhiều tháng để đi khắp các tỉnh miền Tây chọn bối cảnh, chi đến nửa tỷ đồng chỉ phục dựng lại một con phố để bấm máy cho những tập đầu. Vì thế, với phim xưa không chỉ chi tiền, mà còn mất sức rất nhiều. Ngoài kinh phí, sự ảnh hưởng của kịch bản, cách xây dựng nhân vật cũng phải được cân nhắc, lựa chọn kỹ thì mới hấp dẫn được khán giả.

  • Anh nghĩ gì về những danh xưng khán giả gắn cho mình như “ông hoàng phim xưa”, “đạo diễn bảo chứng thành công của dòng phim xưa”?

Bất kỳ danh xưng nào của khán giả tôi đều trân trọng.Tôi hạnh phúc nhưng cũng rất áp lực. Nó luôn nhắc nhở tôi không bao giờ được tạo ra một sản phẩm ẩu, kém chất lượng hay làm phim kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Khi càng có nhiều lời khen, tôi càng phải cố gắng đừng lặp lại chính mình, luôn tìm hướng xử lý, hướng đi khác thì mới có đột phá, mới mẻ dành cho khán giả.

  • Hai dự án gần đây, anh đều chọn Nhật Kim Anh là nữ chính, tại sao vậy?

Nhiều người hay hỏi “Nhật Kim Anh có phải là nàng thơ trong phim ảnh của tôi”. Tôi chỉ nói thế này, khi chọn diễn viên tôi thường nghĩ đến việc hợp vai và bạn đó sẽ mang đến sự thú vị gì cho tác phẩm của mình. Nhật Kim Anh cũng thế, phải hợp vai, đảm đương được phần tâm lý rất nặng trong Tiếng sét trong mưa lẫn Lưới trời thì tôi mới giao vai. Để có vai Nhật Kim Anh cũng phải tham gia casting, đọc kịch bản, định trang… đầy đủ. Ở diễn viên này tôi còn thấy được sự chuyên nghiệp, chịu khó, chịu khổ, không bao giờ bỏ cuộc hay gây ảnh hưởng đến đoàn phim. Nếu Nhật Kim Anh còn tiếp tục hợp vai, tôi sẵn sàng mời ở những dự án kế tiếp, không sợ bị cho rập khuôn hay thiếu mới mẻ.

  • Anh từng làm việc với vô số diễn viên, người đẹp Việt. Anh bị ấn tượng với ai nhất?

Từ khi làm nghề đến nay tôi không quan trọng tên tuổi của diễn viên, không phải đẹp mới xuất hiện trong phim của Nguyễn Phương Điền. Khi đọc kịch bản, tôi thường nghĩ đến một gương mặt diễn viên phù hợp, có thể đảm nhận được chuyện lột tả tính cách, tâm lý nhân vật. Tôi sẽ tìm bằng được người đó để mời họ vào vai, tham gia casting… Chẳng hạn như phim Âm tính, tôi thấy Mai Phương Thúy thích hợp nên đã ngỏ lời mời hay trong Cha rơi tôi đã thuyết phục được Thái Hòa với mức thù lao vừa phải vì cậu ấy vốn là tên tuổi gắn liền với “vua phòng vé”. Chỉ cần vai diễn phù hợp, đủ sức đảm nhận, dù là ca sĩ, võ sĩ… đều có thể xuất hiện ở phim của tôi.

  • Anh tạo cơ hội cho các diễn viên trẻ thể hiện tài năng trong dự án của mình như thế nào?

Tôi vẫn thường chú ý đến các gương mặt trẻ qua các buổi casting, cuộc thi chọn gương mặt điện ảnh. Tôi đang giảng dạy tại trường Sân khấu điện ảnh, có cơ hội tiếp xúc với nhiều bạn, có vai phù hợp, tôi không ngại trao cơ hội. Có những diễn viên từng hợp tác với tôi khá lâu nhưng họ giờ đã phải chuyển qua đóng vai cha, vai mẹ nên tôi vẫn cân nhắc để chọn các bạn trẻ phù hợp. Chẳng hạn như ở phim Vua bánh mỳ, các bạn trẻ như Quốc Huy, Bạch Công Khanh, Trương Mỹ Nhân, Ngọc Thảo… đã có cơ hội để thể hiện tài năng.

  • Để trở thành “đạo diễn vàng” như hiện tại, anh từng trải qua những va vấp, thử thách nào với nghề?

Nói về va vấp trong nghề của tôi thì rất nhiều. Tôi xuất thân là một diễn viên, ra trường cũng đã lăn lộn ở một số tác phẩm. Tôi nhận thấy con đường diễn viên của mình dần dần sẽ bị mai một nên đã tìm hướng rẽ sang làm đạo diễn. Tôi bắt đầu với nó từ vị trí trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn rồi mới trở thành đạo diễn như bây giờ.

Lâu lâu tôi cũng nhớ công việc diễn xuất. Thỉnh thoảng tôi cũng hay đóng một số vai cameo hoặc quần chúng trong phim của mình như Con gái bố già, Vua bánh mỳ, Tiếng sét trong mưa, Lưới trời… Qua những lần đó, tôi thấy mình tươi trẻ, có động lực để tiếp tục làm nghề.

  • Anh cân bằng thời gian cho công việc và gia đình như thế nào?

Nghề đạo diễn thường rất cực, không phải cứ đến phim trường ngồi máy lạnh đâu, mà phải đi nhiều, có dự án phải xa nhà cả tháng trời. Tôi may mắn có vợ con, gia đình nội ngoại đều thấu hiểu cho công việc, chia sẻ và ủng hộ tôi trong công việc. Khi tôi có tác phẩm hay, được khán giả khen, họ cũng thấy tự hào và hãnh diện.

Trên phim trường tôi sẵn sàng chịu cực để tác phẩm của mình trở nên tốt nhất. Còn khi về đến nhà, hiếm ai có thể rủ rê tôi ra ngoài được. Tôi muốn dành thời gian đó để bù đắp cho vợ con, vun vén thêm cho tổ ấm. Vợ tôi còn trẻ, kém tôi đến hai con giáp nhưng thấu hiểu chuyện, hoàn toàn ủng hộ tính chất công việc của chồng.