Theo tín ngưỡng truyền thống dân gian, con người sau khi chết sẽ phải tới âm phủ để chờ phán quyết của Diêm vương. Lấy ý tưởng này, bộ phim “Nghiệp sinh tử” mượn thế giới âm phủ và nhân vật Diêm vương như một phiên tòa, thẩm phán, để phán xét chuyện nhân gian theo mô-típ lấy chuyện xưa nói chuyện nay. Chi tiết Diêm Vương xử kiện là một chi tiết giàu ý nghĩa bởi nó thể hiện niềm tin của con người về sự luân hồi “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. Chi tiết này cũng góp phần thúc đẩy kịch tính của chuyện lên tới đỉnh điểm
Nhân vật Diêm Vương được xây dựng là một vị quan chấp pháp nghiêm minh, xử án đúng người đúng tội và rất nhân từ đức độ. Bên cạnh đó, còn có một nhân vật phò trợ đắc lực cho Diêm vương là thầy Nhân – một vị quan thanh liêm đã từ quan về ở ẩn với nghề gõ đầu trẻ. Thầy Nhân được Diêm vương phong làm Phán Quan và có thể đi lại giữa cõi âm & cõi dương, với vai trò là người kết nối giữa trần gian và âm phủ, để giúp Diêm Vương luận tội và xử án một cách nghiêm minh nhất.
Phiên tòa âm phủ không chỉ là cái nền để bật được thông điệp phim mà còn là cái cớ để truyền tải những câu chuyện thế thái nhân nhân tình đầy màu sắc. Mỗi câu chuyện được tái hiện với hệ thống nhân vật phong phú, tình tiết gay cấn và gởi gắm những bài học triết lý nhân sinh sâu sắc để hướng mọi người sống tốt hơn. Ngoài ra, trong phim còn có sự xuất hiện của các vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam như: 3 vị Táo, Thổ địa, ông Tơ bà Nguyệt, Thành hoàng…
Truyện 1: Nghịch tử
Diễn viên: Hà Trí Quang (Lộc), Đặng Thu Thảo (Nhược Thúy), Phương Dung (bà Đen), Mã Trung (ông Đen), Cao Hoàng (Phán quan), Thủy Cúc (Mạc phu nhân), Xuân Văn (Thiên Hương), Công Danh (Đinh Lục)…
Vợ chồng ông bà Đen ở làng Mộc làm nghề đổ phân, cả 2 mong ước có 1 mụn con để hủ hỉ lúc về già nhưng vô vọng. Sau đó, 2 vợ chồng này lượm được đứa bé sơ sinh người ta vứt bỏ ngoài rừng và mang về nuôi đặt tên là Lộc. Đứa bé lớn lên trong tình thương của cha mẹ nhưng lại khinh khi cha mẹ có cái nghề hôi thúi, thấp hèn. Rồi một ngày Lộc quyết định bỏ ra đi để mong muốn đổi đời. Lộc xin vào làm ở một tửu điếm và quen với kỹ nữ tên Thiên Hương. Thiên Hương đưa hết tiền dành dụm cho Lộc lên kinh đi buôn. Sau khi lên kinh, Lộc biết được Nhược Thủy – con gái thừa tướng đương triều, nên tìm cách tiếp cận. Không lâu sau, nhờ lời ngon tiếng ngọt và dàn cảnh khổ nhục kế, hắn đã lấy được lòng tiểu thư Nhược Thủy và khiến nàng mang thai.
Khi biết con gái mình có thai với tên Lộc, Thừa tướng dù không vui nhưng để cứu danh dự gia đình, ông buộc phải mua chức tước cho Lộc để môn đăng hộ đối và tiến hành lễ thành hôn. Trở thành con rể của thừa tướng, vì muốn chôn vùi quá khứ xuất thân thấp kém, nên Lộc đã giết chết cha mẹ nuôi, đồng thời hắn cũng âm mưu vu oan cho Thiên Hương tội giết người để nàng bị xử trảm. Thế nhưng cuối cùng thì những tội lỗi của tên Lộc cũng bị phanh phui và Diêm Vương trừng trị thích đáng.
Truyện 2: Đôi mắt tình thâm
Diễn viên: Thanh Hiền (Lẹ), Hòa Hiệp (Gia Bảo), Thanh Thức (Chính Tâm), Mã Trung (ông Phú), Thiên Hương (bà Phú), Thủy Cúc (bà Nguyệt), Phi Nga (bà Mùi), Nguyễn Châu (ông Tám), Tích Chu (Làng), Chí Hải (Thầy 12), Hoàng Nhân (Bảnh), Lê Mạnh Phương (Út)…
Lẹ và Chính Tâm là thanh mai trúc mã cùng nhau lớn lên ở một xóm nghèo. Cha của Lẹ vì muốn ép gả Lẹ cho gia đình giàu có nên giả vờ thiếu nợ bị bọn giang hồ uy hiếp tính mạng. Chính Tâm muốn giúp gia đình người yêu nên nghe lời thầy Bảnh – một thầy thuốc bất nhân, đi làm ăn xa và bị lừa lấy đi đôi mắt.
Ở trấn Nam Môn,có gia đình nhà họ Đinh nổi tiếng giàu có, nhưng chẳng may đứa con trai duy nhất của gia đình này là Gia Bảo từ nhỏ đã bị bệnh nhược thị. Bà Đinh Phú vì thương con nên tìm đến thầy Bảnh để nhờ chữa trị. Thầy Bảnh đã lừa lấy đôi mắt của Chính Tâm để ghép vào cho Gia Bảo, nhờ vậy mà Gia Bảo được sáng mắt. Nhưng từ khi khỏi bệnh, trong mắt của Gia Bảo lại vương mang hình bóng của Lẹ – người yêu Chính Tâm. Gia Bảo ngày đêm tương tưvà mong mỏi một lần gặp được cô gái thường hay xuất hiện trong giấc mơ của mình.
Chính Tâm sau thời gian lưu lạc quay trở về gia đình và được mẹ với Lẹ săn sóc. Lúc này bà Phú tìm đến nhà Chính Tâm và bí mật về thân thế của anh được hé lộ: Chính Tâm chính là con trai của bà Phú, năm xưa vì muốn lấy chồng giàu sang, bà Phú đã trao con lại cho bạn thân là bà Nguyệt nuôi dưỡng rồi theo chồng. Chính Tâm và Gia Bảo là anh em cùng mẹ khác cha nên đôi mắt của anh mới có thể ghép cho Gia Bảo thành công như thế.
Vì không muốn tội lỗi bị vạch trần nên thầy Bảnh đã giết Chính Tâm diệt khẩu. Cùng thời điểm này, Lẹ bị Gia Bảo cưỡng hiếp rồi mang thai. Lẹ cũng lần dò điều tra và biết được sự thật chính bà Phú là người đã bỏ tiền thuê tên Bảnh đấy cướp đi đôi mắt của Chính Tâm. Bao nhiêu nỗi uất hận dồn nén, Lẹ đồng ý làm đám cưới với Gia Bảo và từng bước lên kế hoạch trả thù, hại gia đình họ Đinh tan nhà nát cửa.
Sau khi chết, Chính Tâm không chịu đi đầu thai vì không yên lòng khi thấy Lẹ đau khổ và trượt dài trong tội ác. Thầy Nhân thấy anh tội nghiệp nên xin Diêm vương dẫn hồn của Lẹ về diêm phủ để đối chất và cho cô gặp Chính Tâm. Chính Tâm khuyên nhủ Lẹ đừng tiếp tục gây ra tội ác nữa, mong mỏi lớn nhất của anh là nhìn thấy Lẹ được sống vui vẻ, hạnh phúc, có như thế thì anh mới an lòng để đi đầu thai. Cảm động trước chân tình của Chính Tâm, Lẹ hối hận trả lại tài sản cho nhà họ Đinh và ra đầu thú. Sau khi mãn hạn tù, Lẹ trở về đoàn tụ với gia đình. Còn Gia Bảo thì quyết tâm sống tốt để xứng đáng với sự hy sinh mà anh trai đã dành cho mình.…
Truyện 3: Hai người mẹ
Diễn viên: Minh Cường (Quan huyện), Quỳnh Lam (Huyền Thị), Nguyệt Ánh (Quách phu nhân), Nhan Sĩ Toàn (Chơn), Hoàng Huynh (Bún), Lê Hữu Thủy (bá hộ Ngôn), chị Nga (bà thầy), bé Ngô Lam Quỳnh (Huyền Chi). bé Minh Châu (Quách tiểu thư)…
Truyện kể về nhân vật Huyền Thị, lấy phải người chồng là cáo tinh nên khi sinh con ra đứa nhỏ mang hình dạng nửa người nửa cáo. Dân làng biết được chuyện này nên xua đuổi 2 mẹ con nàng ra khỏi làng. Hai mẹ con Huyền Thị sống lang bạc đó đây, sau đó được Quách phu nhân nhận vào làm giúp việc và đối xử rất tốt. Quách phu nhân cũng có 1 đứa con gái trạc tuổi với con của Huyền Thị nhưng đứa bé thường xuyên đau bệnh. Vào một ngày kia, con của Huyền Thị đột nhiên mất tích. Nàng đau khổ đi tìm con khắp nơi.
Sau quá trình điều tra, tìm manh mối thì Huyền Thị mới phát hiện ra sự thật: chính Quách phu nhân đã nghe lời đạo sĩ bắt cóc con gái Huyền Thị, vì con của Huyền Thị mang dòng máu nửa người nửa cáo nên tên đạo sĩ cho biết máu của đứa nhỏ có thể giúp con gái của Quách phu nhân khỏi bệnh. Sau khi giết chết con gái của Huyền Thị, Quách phu nhân vô cùng day dứt, hối hận khi biết ra tất cả mọi chuyện đều do tên đạo sĩ bày ra, hắn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà để trục lợi…. Quách phu nhân ra đầu thú. Mẹ con Huyền Thị chết được Diêm vương cho đầu thai kiếp khác và tiếp tục làm mẹ con.
Truyện 4: Hoán đổi dung nhan
Diễn viên: Dương Cẩm Lynh (Thu Hạnh), Thanh Hiền (Lợm), Hoàng Anh (Lì), Kiều Trinh (bà Ngô), Mai Huỳnh (ông Ngô), Nguyễn Châu (ông Chín), Võ Hiệp (đạo sĩ), Ngô Thành Tá (Ngô Tín)…
Gia đình ông Đào Ngô nổi tiếng giàu có nhất vùng với nghề làm chiếu hoa. Ông có 2 người con là Thu Hạnh và Đào Tín. Đào Tín là con của Đào Ngô với người vợ sau còn Thu Hạnh là con của người vợ trước. Trong khi Thu Hạnh giỏi giang biết quán xuyến chuyện làm ăn thì Đào Tín lại ăn chơi trác táng. Đào Ngô quyết định sẽ giao hết tài sản cho Thu Hạnh quản lý. Mẹ con Đào Tín sinh lòng đố kỵ, muốn chiếm đoạt gia tài nên bày kế hại Thu Hạnh.
Bà Ngô tìm đạo sĩ làm phép hoán đổi dung nhan giữa Thu Hạnh và Lợm – một cô gái làm nghề sơn đông mãi võ. Vậy là 2 cô gái có 2 hoàn cảnh khác nhau bị tráo đổi thân phận: Thu Hạnh sống cuộc đời của Lợm, còn Lợm sống cuộc đời của Thu Hạnh. Thu Hạnh không cam tâm khi bị tráo đổi thân phận nên quyết tâm tìm ra sự thật đòi lại công bằng. Hành trình Thu Hạnh tìm lại thân phận thật và đối phó lại những âm mưu gian ác của mẹ con Đào Tín vô cùng khó khăn. Thế nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Lỳ, của thầy Nhân, Thu Hạnh đã tìm lại thân phận và nhân dáng thật của mình. Còn những kẻ tham lam thủ đoạn như mẹ con Đào Tín, Lợm, tên đạo sĩ gian ác….phải trả giá đắt. Thu Hạnh cũng tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình mình là Lỳ, cả 2 nên duyên chồng vợ.
Truyện 5. Nhân duyên trọn kiếp
Diễn viên: Hoàng Anh (Phan), Bích Trâm (Kim Ngọc), Nguyễn Luân (Chu Nghệ), Quỳnh Giao (Chắc – Kim Xuyến), Kiều Mai Lý (mẹ Chắc), Nguyễn Châu (cha Chắc), Thủy Cúc (bà Lê), Cao Hoàng (ông Lê), Hùng Di (Đầy), Ôn Bích Hằng (Mai thị)…
Chắc là một cô gái con nhà nghèo, làm nghề bán thịt heo ngoài chợ. Một ngày nọ, Chắc vô tình cứu thoát hồn ma của Phan ra khỏi chiếc bình. Phan một mực khẳng định Chắc là tiểu thư Kim Xuyến nhưng Chắc không tin. Sau đó, Chắc đột nhiên nhớ lại chuyện kiếp trước của mình: Chắc chính là tiểu thư Kim Xuyến, Kim Xuyến và Phan yêu nhau nhưng nàng lại bị gia đình ép gả cho Chu công tử. Sau đó, Kim Xuyến chết. Chu công tử cưới Kim Ngọc – em gái Kim Xuyến.
Để làm rõ nguyên nhân cái chết 20 năm trước của mình, Chắc và Phan tìm về Lê gia trang. Qua quá trình điều tra, Chắc phát hiện ra sự thật: trước đây Kim Ngọc yêu Chu công tử nhưng gia đình lại gả Kim Xuyến cho Chu công tử nên Kim Ngọc sinh lòng đố kỵ. Kim Ngọc cũng phát hiện mình chỉ là con rơi của Lê lão gia nên quyết tâm trả thù. Chính Kim Ngọc đã hại Kim Xuyến chết và thay thế Kim Xuyến trở thành vợ Chu công tử. Trở về hiện tại, sau khi sự thật bị bại lộ, Kim Ngọc một lần nữa muốn giết hại Chắc nhưng Chắc đã may mắn được cứu sống. Vậy là Kim Ngọc và Chu công tử phải trả giá cho những tội lỗi mình đã gây ra 20 năm trước. Sau khi chết, Chắc và Phan được diêm vương cho đầu thai và nối lại tình duyên dang dở ở kiếp trước.