NSƯT Thanh Thúy: Đột phá không hài hòa sẽ dễ bị cho là phá, làm hỏng cải lương
Hậu Trường

NSƯT Thanh Thúy: Đột phá không hài hòa sẽ dễ bị cho là phá, làm hỏng cải lương

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Ban Tổ chức, cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 đã góp phần tạo nên sự sôi động cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật TP.HCM, nhất là trong bối cảnh đời sống kinh tế – xã hội và văn hóa trở lại mạnh mẽ sau đại dịch. Xin đính kèm lịch trình vòng chung kết cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2022 đang diễn ra. Anh chị yêu thích cải lương có thể ghé xem và ủng hộ các thí sinh. Vào cửa tự do ạ.
1/ Chị cảm thấy đêm chung kết đầu tiên của Giải Trần Hữu Trang 2022 có những điểm sáng nào?

Theo tôi, điểm sáng đầu tiên chính là nội lực của các thí sinh. Qua mỗi phần thi, một số thí sinh đã cho thấy năng lực, kinh nghiệm, sự nỗ lực, nghiêm túc, kỹ lưỡng trong đầu tư dàn dựng tác phẩm dự thi. Một số phần thi của họ đã thể hiện được những điều đó. Một trong những điều mà Ban tổ chức hết sức cố gắng trong năm nay đó là tạo điều kiện về mặt thời gian và các mặt đảm bảo khác để phục vụ tập luyện cho các thí sinh. Các nghệ sĩ dự thi có điều kiện được tiếp quản sân khấu sớm hơn, làm quen sân khấu trước nhiều ngày và được làm việc với Hội đồng tư vấn nghệ thuật. Các thầy cô sẽ xem qua phần tập luyện của các bạn và thẳng thắn chỉ ra những điều còn hạn chế. Thông qua sự tiếp thu, nỗ lực của từng bạn thí sinh, bên cạnh sự giúp đỡ của Hội đồng tư vấn nghệ thuật thì các bạn đã tiến bộ rõ ràng từ phần dựng ban đầu cho đến khi lên sân khấu thi chính thức.

Qua quá trình theo dõi các thí sinh, tôi thấy họ đã có nhiều điểm khác biệt so với vòng Sơ tuyển. Tính chuyên nghiệp được rõ nét hơn. Và đó cũng là một trong những điều mà cuộc thi này mong muốn hướng tới: sự chuyên nghiệp và khao khát mang đến cho khán giả những tác phẩm thực sự đẹp về mặt tư tưởng cũng như nghệ thuật.

Một phần quan trọng, điểm sáng của các phần thi cũng đến từ một yếu tố đó là tài năng của đạo diễn. Dàn dựng chặt chẽ, mạch lạc, tổ chức sân khấu tốt sẽ giúp cho phần thi của thí sinh được lột tả một cách trọn vẹn nhất bên cạnh việc lựa chọn kịch bản. Chọn cho mình người đạo diễn như thế nào để gửi gắm niềm tin vào phần dàn dựng cũng là một phần rất quan trọng. Qua đêm thi đầu tiên, tôi thấy phần lớn thí sinh và khán giả đều hài lòng. Và những tràng pháo tay giòn giã mà người xem dành cho một số tiết mục thi đã chứng minh điều đó.

2/ Những năm gần đây, đối tượng khán giả xem cải lương đang bị già hóa. Khi tổ chức cuộc thi năm nay, ban tổ chức có định hướng cho thí sinh đổi mới, trẻ hóa các tác phẩm dàn dựng để có thể tạo tiếng vang đến những người trẻ?

Thí sinh có toàn quyền chọn lựa kịch bản trong kho dữ liệu kịch bản sân khấu cải lương đã được phổ biến. Các thí sinh có xu hướng chọn những kịch bản mà các bạn yêu thích, những vai diễn mà các bạn muốn chinh phục. Khi các bạn đăng ký tác phẩm dự thi cho ban tổ chức thì các chuyên gia là những nghệ sĩ tên tuổi, có kinh nghiệm sẽ góp ý, tư vấn thêm cho thí sinh trong việc lựa chọn kịch bản phù hợp. Nhưng việc định hướng về phong cách dàn dựng hay quyết định chọn lựa kịch bản thì vẫn phụ thuộc vào chính các nghệ sĩ hoặc đơn vị cử các nghệ sĩ đi thi. Năm nay, cũng có nhiều bạn thí sinh đã lựa chọn các trích đoạn dự thi mang tính hiện đại, phản ánh nhiều vấn đề nóng của xã hội.

Trong lần tổ chức trước, có một vài trường hợp đáng tiếc khi thí sinh chọn tác phẩm dự thi chưa thực sự phù hợp với khả năng của mình. Đôi khi họ vì yêu thích, nhưng cũng có thể là do đạo diễn hoặc do những yếu tố khác, đáng tiếc là một số phần dàn dựng chưa thực sự làm bật được hết cái đẹp trong ca diễn hay chưa khắc chế được những điểm thiếu sót của nghệ sĩ. Có nhiều bạn thì bị căng thẳng, nên bị diễn dưới sức. Và năm nay các thí sinh đã khắc phục được rất nhiều ở khâu này. Người nghệ sĩ phải làm chủ được vai diễn và cảm xúc mà mình muốn chuyển tải đến khán giả thì mới thành công.

3/ Vì sao Ban tổ chức không giới hạn độ tuổi thí sinh cũng như cho phép nghệ sĩ ở nhiều thế hệ, đẳng cấp cùng thi đấu trên một sàn diễn?

Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang là cuộc thi của những nghệ sĩ chuyên nghiệp khát khao được cống hiến. Ban Tổ chức cuộc thi mong rằng cuộc thi sẽ tạo cơ hội cho những nghệ sĩ thường đóng vai phụ, ít có điều kiện được đứng trên những sân khấu lớn, những vở diễn được đầu tư để thỏa sức với nghề. Có nhiều nghệ sĩ âm thầm hoạt động và ít có khi nào được vào những tuyến nhân vật trọng điểm thì cuộc thi này sẽ mở rộng cơ hội thử sức cho tất cả các bạn. Quy chế cuộc thi là nghệ sĩ đã hoạt động nghề chuyên nghiệp 5 năm, có thể đăng ký dự thi, không giới hạn tuổi tác.


4/ Gần đây, sự kết hợp giữa rap và cải lương trong một sản phẩm MV đã tạo nên cơn sốt lớn. Liệu ban tổ chức sẽ cho phép nếu thí sinh mong muốn đột phá trong tiết mục dự thi theo hơi hướng như thế?

Hiện tại vẫn chưa có sự đột phá nào như vậy trong khuôn khổ cuộc thi này. Để kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật đương đại với cải lương trong một trích đoạn hay một vở tuồng cải lương cần sự cẩn trọng. Với một ca khúc, ta có thể rap một phần, có thể phối vào đó chất liệu, âm hưởng của dân ca, đờn ca tài tử… Nhưng với một tuồng cải lương, mọi thứ sẽ phức tạp hơn nhiều, mặc dù cải lương là bộ môn nghệ thuật tổng hợp và luôn đổi mới theo tiến trình phát triển của nó. Khi những nhà sáng tạo nghệ thuật như soạn giả, đạo diễn hay là dàn dựng âm nhạc cho cải lương đặt vào những loại hình nghệ thuật đương đại mang tính chất đột phá thì cần phải được cân nhắc kĩ lưỡng để mọi thứ không bị đối lập quá giới hạn cho phép. Các hình thức nghệ thuật đưa vào trong sân khấu cải lương phải thực sự chuyên nghiệp, phải hài hòa với cải lương. Nó không thể tạo một độ vênh quá lớn làm cho khán giả cảm thấy không tiếp nhận được.

Chúng ta cần có sự đột phá khuynh hướng nghệ thuật đương đại nhưng phải chấp nhận rằng việc thử đó phải có liều lượng, phải rất khoa học, cần phải có sự nghiên cứu rất kỹ mối tương đồng giữa cải lương và các hình thức nghệ thuật khác nằm ở đâu để tìm tiếng nói chung mang tính chất bắc cầu.

Khán giả cải lương phần lớn là khán giả đã trung thành với những điều quen thuộc. Nếu tìm cái mới mà nó quá gai góc hay quá sốc thì rất dễ thấy rằng chúng ta không hiểu và không trân trọng cải lương. Nhưng tôi nghĩ rằng trong khuynh hướng xã hội đương đại, việc tìm kiếm những chất liệu mới cho sân khấu cải lương là một xu hướng đúng và là trách nhiệm của những người làm nghề trong việc luôn đổi mới, sáng tạo, để cải lương được tiếp cận rộng rãi hơn với công chúng trẻ. Nhưng chọn lọc như thế nào thì phải nghiên cứu trên tinh thần hiểu và trân trọng cải lương đúng mức, phối hợp sao cho hài hòa để khán giả tiếp nhận được. Nếu không sẽ dễ bị cho là phá, là làm hỏng cải lương.