Thông tin về tình hình dịch Covid-19 với nhiều diễn biến phức tạp đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong thời điểm nhạy cảm này, người dân và nhà nước cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Về phía các ban lãnh đạo cũng đưa ra nhiều biện pháp thiết thực để hạn chế khả năng lây nhiễm cao trên cộng đồng. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ gửi công văn ngày 27/3/2020 với nội dung yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, tạm đình chỉ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn và nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân.
Cụ thể, công văn của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2020 yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong cùng 1 phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Cùng thời điểm này, UNBD TP.HCM cũng gửi công văn số 1152/UBND-VX về Tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người để phòng, chống dịch COVID-19 cùng ngày.
Có thể nói, ngay từ khi ban hành, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã tiến hành tạm ngưng các hoạt động thương mại dù điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính. Điều đó đã phần nào cho thấy được ý thức cao của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 lây lan trên địa bàn. Ở TP.HCM hiện nay, hầu hết các hoạt động kinh doanh không thiết yếu trên địa bàn thành phố đều bắt đầu tạm ngừng hoạt động từ ngày 28/3. Trong khi đó, các công ty đều đóng cửa, cho nhân viên làm việc tại nhà. Đây được xem là biện pháp nhằm hạn chế việc tụ tập đông người, tránh trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh và lây lan trên diện rộng.
Nhìn chung, những công văn của chính phủ nói chung và công văn của UBND TP.HCM đang được người dân hưởng ứng và thực hiện một cách nghiêm túc. Trên khắp các tuyến đường ở khu vực trung tâm không còn tình trạng kẹt xe, chen lấn hay tụ tập đông đúc như trước. Thay vào đó, mọi người nghiêm chỉnh tự giác chấp hành làm việc tại nhà, hạn chế ra đường. Thậm chí, trong một số tình huống bắt buộc, họ phải ra đường nhưng vẫn đảm bảo quy định về việc đeo khẩu trang y tế, trang bị kỹ lưỡng phòng dịch Covid-19 hiện nay.
Riêng đối với các cơ sở dịch vụ, các câu lạc bộ trò chơi có thưởng dành cho người nước ngoài vẫn hoạt động một cách hiển nhiên, bất chấp thông báo từ UBND TP.HCM và tinh thần của toàn dân. Thực tế, đúng như chia sẻ của đại diện chính phủ, để phòng ngừa dịch Covid thì cần sự chung tay của toàn dân, nhưng để dịch lây lan thì chỉ cần sự thiếu ý thức của một người. Phải chăng việc các câu lạc bộ trò chơi có thưởng vẫn hoạt động là một câu chuyện đang buồn trong giai đoạn nhạy cảm này, khi mà mọi người đang cùng nhau quyết tâm chống Covid-19?
Thông thường, việc người chơi ngồi trong không gian kín, các máy chơi game được đặt sát nhau, khó có thể đảm bảo khoảng cách 2m giữa người với người theo quy định. Việc này có thể gây khả năng tiềm tàng lây nhiễm chéo trước tình hình dịch đang bùng phát ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM. Chưa dừng lại ở đó, các khu trò chơi này thường có sự xuất hiện của người nước ngoài, trong khi không có sự kiểm chứng nhất định về việc họ có phải là người từ vùng dịch trở về hay không thì đó lại là một câu chuyện đáng lo ngại, thậm chí đáng lên án vì đi ngược lại với ý thức, quy định cũng như chủ trương mà chính phủ đưa ra.
Không thể phủ nhận rằng, việc các khu trò chơi vẫn còn hoạt động không trái với quy định nhưng đi ngược lại với chủ trương và tinh thần cộng đồng. Công bằng mà nói, đã có không ít trung tâm, các câu lạc bộ khách sạn 5 sao đã đi đầu trong việc ngừng hoạt động để hạn chế sự lây lan như Palazzo Club (Sheraton Hotel), Chats Club (Renaissance Hotel), M-Club (Majestic Hotel), Wynns (Equatorial Hotel)… Các đơn vị này còn cho biết, tuy việc đóng cửa sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính, thậm chí là “mất lòng” khách hàng song họ vẫn đặt sự uy tín, chất lượng lên hàng đầu vì không muốn các khách hàng của mình rơi vào tình huống xấu.
Nhiều đơn vị chấp nhận ‘mất lòng’ khách hàng, giảm doanh số kinh doanh để hưởng ứng việc ‘Toàn dân chống Covid-19’ (Ảnh minh họa)
Đây được xem là đòn “vỗ mặt” khiến một số câu lạc bộ khác trong địa bàn TP.HCM. Các đơn vị còn lại cần xem xét lại khi đặt câu chuyện lợi nhuận lên hàng đầu, vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách, vô tình tạo một môi trường thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Đồng thời, nhà nước cùng cần phải có những biện pháp răn đe cần thiết để hạn chế điều này, đặc biệt là trong giai đoạn “toàn dân chống Covid-19” hiện nay.