Không chỉ ngoại hình mà cả diễn xuất của nữ diễn viên Trúc Mây với vai diễn Lụa – con gái Cao Thái Hà trong phim Mẹ biển đang nhận về rất nhiều bình luận tích cực, đánh giá cao từ người xem khi lên sóng vào khung giờ vàng của VTV1.
Mẹ biển hiện đang là tựa phim Việt nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả khi lên sóng vào khung giờ vàng của VTV1. Đặc biệt ở những tập mới nhất, sự xuất hiện của một nhân vật mới khiến người xem khó rời mắt. Nhân vật đó là Lụa (Trúc Mây) – con gái của Huệ (Cao Thái Hà).
Vào vai con gái của một người phụ nữ sống tại vùng biển, đối diện với vô số biến cố trong cuộc đời, nữ diễn viên sinh năm 1994 nhanh chóng chinh phục các tầng lớp khán giả.
Không chỉ ngoại hình mà cả diễn xuất của Trúc Mây trong phim cũng nhận về rất nhiều bình luận tích cực, đánh giá cao từ người xem dưới các trích đoạn do nhà đài đăng tải trên loạt phương tiện truyền thông.
Chia sẻ về cơ duyên đến với vai diễn Lụa, Trúc Mây cho biết: ‘Cách đây vài năm, Trúc Mây tham gia dự án phim tốt nghiệp của chị Như Đinh – một đạo diễn trẻ trong trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP HCM với tựa đề “Thoát”. Thật hữu duyên khi chú Nguyễn Phương Điền là giám khảo của kỳ thi Tốt Nghiệp đấy. Sau khi xem vai diễn của Mây, chú đã ngỏ lời mời tham gia phim Thời Mở Cửa nhưng tiếc là lúc ấy, Trúc Mây lại đang vướng lịch học nên đành từ chối. Và sau đó, chú tiếp tục mời Trúc Mây đóng vai khách mời trong phim Duyên – nhân vật Kiều. Vai này không chiếm quá nhiều thời gian nên Mây nhận lời vì thực lòng rất muốn có cơ hội làm việc với chú. Trong thời gian quay Duyên, chú bảo Mây có nét rất hợp với nhân vật Lụa trong dự án Mẹ Biển sắp tới. Lúc ấy, Mây còn đang phân vân vì có dự định riêng cho việc học. Nhưng rồi khi đọc kịch bản, Mây thật sự yêu nhân vật Lụa – một cô gái vừa mạnh mẽ vừa sâu sắc. Và Mây biết mình không thể bỏ lỡ cơ hội này. Thế là quyết định gác lại việc học để toàn tâm toàn ý với vai diễn này.’
Sau khi may mắn được đạo diễn Nguyễn Phương Điền giao vai Lụa, Trúc Mây dành nhiều thời gian để đọc kỹ kịch bản, nắm vững cốt truyện cũng như diễn biến tâm lý nhân vật.
‘Khi xem nội dung, Trúc Mây cố gắng tưởng tượng không chỉ cảnh quay mà cả cảm xúc của nhân vật trong từng hoàn cảnh bởi cá nhân hiểu rằng khi ra đến bối cảnh thực tế, mọi thứ sẽ rất khác. Vì vậy, Trúc Mây tập trung nắm thật chắc đường dây tâm lý nhân vật, để khi ‘cọ sát với hoàn cảnh thật, mình không bị lúng túng. Bên cạnh đó, là người con đến từ miền biển, bản thân ít nhiều đã có những trải nghiệm từ nhỏ nên không sợ cực, chỉ sợ mình chưa đủ tốt với vai diễn thôi.’, nữ diễn viên cho biết.
Nói về Lụa trong phim, Trúc Mây tâm sự: ‘Trúc Mây thích cách mà Lụa hiện diện như một đóa hoa dại – nhỏ bé nhưng kiên cường, âm thầm nở rộ giữa bão giông. Ở Lụa, có một sự bình yên rất lạ, một sự chịu đựng khiến người ta không khỏi xót xa. Dù lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình thương, bị bỏ rơi từ thuở lên ba, sống cùng một người mẹ điên lúc tỉnh lúc mê, nhưng Lụa không oán trách cuộc đời. Ngược lại, Lụa lại sống tử tế, hiếu thảo và đầy lòng trắc ẩn.
Ngoài ra, Trúc Mây cảm phục ở Lụa chính là lòng vị tha – cái cách cô chăm sóc bà Hậu như một người mẹ ruột, dù chính bà đôi khi trong cơn điên lại đánh mắng cô. Mây thương Lụa ở sự thầm lặng – cái dáng người chịu thương chịu khó, sống mà không đòi hỏi gì cho riêng mình. Nhưng có lẽ điều khiến Mây yêu mến nhất ở Lụa, là cách Lụa chọn yêu thương – không ồn ào, không đòi hỏi, nhưng đủ sâu để người ta nhớ mãi.
Lụa không chỉ là một nhân vật, Lụa là hiện thân của những người phụ nữ ở làng chài – nghèo, lam lũ, nhưng có một trái tim tử tế đến lay động.’
Về phần phục trang cho nhân vật Lụa sống trong cảnh nghèo khó tại vùng biển, Trúc Mây đã tìm mua nhiều quần áo cũ tại các ngôi chợ bên cạnh sự hỗ trợ từ tổ phục trang của diễn đoàn phim.
‘Với Trúc Mây, cảnh quay khó nhất trong phim cũng là cảnh chạm sâu nhất vào phần tối trong tâm hồn Lụa chính là phân đoạn cô đối mặt với mẹ ruột mình là bà Huệ, sau 20 năm xa cách.
Cảnh quay kéo dài, không chỉ về thời lượng mà còn là một hành trình cảm xúc đầy trồi sụt và nghẹt thở. Từ hy vọng đến thất vọng, từ cảm thông đến vỡ mộng, rồi trượt dần xuống tận cùng của sự tổn thương. Lụa chấp nhận tha thứ, gom góp hết số tiền tiết kiệm cũng như vay mượn từ Bác Ba Xê để giúp mẹ lo cho đứa em trai tưởng như đang bệnh nặng. Nhưng rồi tất cả vỡ tan khi Lụa tận mắt chứng kiến má Huệ đang lên cơn nghiện, và đứa em ấy hoàn toàn khỏe mạnh.
Cú sốc đầu chưa nguôi, Lụa tiếp tục nhận thêm một sự thật khác: người cha Kiểng mà cô từng mong đợi ngày trở về — hóa ra không phải cha ruột. Từng lớp niềm tin trong Lụa hoàn toàn sụp đổ như sóng đánh liên hồi vào vách đá. Lụa hoảng loạn, gào khóc, vật lộn trong đau đớn với người mẹ mà Lụa không biết nên yêu hay nên oán.
Không chỉ đòi hỏi nội tâm phức tạp, cảnh này còn là một trường đoạn nặng nề về thể chất: lăn lê, vật lộn, gào thét, khóc nghẹn — nhưng điều khó nhất lại là giữ trọn mạch cảm xúc nhân vật giữa hỗn loạn đó. Lụa không chỉ khóc vì giận, mà còn vì tiếc thương cho chính mình — một đứa con, dẫu bị mẹ chối bỏ, vẫn không ngừng tìm mẹ trong tim…’ – Trúc Mây bộc bạch.
Trong quá trình quay phim, Trúc Mây nhớ nhất trải nghiệm tại xưởng làm cá khô của bà con ngư dân địa phương khi cô được tận mắt chứng kiến và thử sức với những công việc mà trước giờ chỉ nghe gia đình kể lại. Khoác lên người chiếc áo khoác caro đen trắng, xắn tay áo lao vào công việc, nữ diễn viên thấy mình như đang thật sự sống trong thế giới của nhân vật Lụa – một cô gái miền biển chân chất, giàu tình cảm và hết lòng vì gia đình.
Nữ diễn viên sinh năm 1994 cũng xúc động khi nhắc về 2 cảnh quay chung với nghệ sĩ Hương Giang và diễn viên Cao Thái Hà.
Cảnh khiến Mây thấy ấm lòng là những ngày tháng nhẹ nhàng của Lụa bên Má Hai – người mẹ điên nhưng lại là chỗ dựa lớn nhất đời Lụa. Dù bên ngoài Lụa giống như một đứa con, nhưng thật ra Lụa lại giống như một người mẹ đang chăm sóc một đứa trẻ “lớn xác”. Cô nấu ăn, bón từng muỗng cơm, gỡ từng miếng xương cá, dụ Má Hai ăn bằng kẹo, bằng đường, rồi tắm rửa, chải tóc, trò chuyện, ru ngủ Má Hai mỗi đêm. Có lúc Má Hai lên cơn, lang thang đi tìm anh Hai Biển đã mất, thì Lụa lại chạy khắp bến cá, ra tận ngoài biển để tìm Má về… Một thứ tình mẫu tử kỳ lạ – đầy ngược chiều – nhưng thiêng liêng đến lặng người.
Trong khi đó, cảnh khiến Mây nhớ nhất, và cũng là cảnh khiến Mây nghẹn ngào nhất – là một buổi chiều đầy nắng quay tại biển Phan Rang. Trên con đường nhỏ ven biển, ánh hoàng hôn trải vàng cả Xóm Chài, Mây và chị Cao Thái Hà diễn cảnh hai mẹ con giằng co – không chỉ bằng lời thoại, mà bằng cả những kìm nén, những tổn thương chực trào suốt hơn hai mươi năm. Trong cảnh đó, Lụa cuối cùng cũng vỡ òa, dốc hết tất cả những nỗi niềm đã giấu suốt bao năm với người mẹ ruột bỗng nhiên trở về:
‘Má đừng nói má Hai điên này điên nọ nữa có được không?… Nếu không có má Hai, thì con cũng chẳng còn sống tới ngày hôm nay. Má bỏ đi biền biệt hai mươi năm, không một lần tìm con… Khi con có kinh nguyệt lần đầu, khi con bị sốt xuất huyết tưởng chết đi sống lại, thì lúc đó Má ở đâu? Hay chính Dì Ba Lành, Bác Ba Xê chỉ cách cho con, lo cho con từng viên thuốc, từng muỗng cháo. Cả Xóm Chài này ai cũng người con mang ơn. Vậy mà giờ Má trở về, Má chỉ biết trách móc người này, người nọ… Thà Má đừng về thì hơn.’
Câu thoại đó – không chỉ là của nhân vật Lụa – nó là tiếng nói nghẹn ngào của một đứa trẻ từng bị bỏ lại, của một người con gái đã lớn lên trong tổn thương, nhưng vẫn chọn cách sống tử tế.
Mây nhớ hôm đó, ánh nắng chiều xuống rất nhanh. Trước ống kính là hoàng hôn đẹp đến nao lòng, sau ống kính là hàng chục người dân Phan Rang đến xem, tiếng máy quay, tiếng sóng biển, tiếng gió thổi… nhưng Mây và chị Hà đã gắng hết sức để giữ trọn cảm xúc sống với nhân vật của mình. Nhớ lại vẫn còn rưng rưng – tiếng hai Má con cãi nhau vang vọng cả một góc Xóm Chài, mà không ai dám lên tiếng… vì tất cả đều đang lặng người trước một sự thật rất đau – không phải lúc nào Mẹ trở về, cũng là điều đáng mong đợi…
Làm việc bên cạnh những diễn viên chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm như NSND Việt Anh, NSƯT Trương Minh Quốc Thái, NSƯT Kim Tuyến, nghệ sĩ Thanh Hiền, Hương Giang, Hiếu Hiền, Cao Minh Đạt, Cao Thái Hà…Trúc Mây thú nhận ban đầu cô căng thẳng, áp lực. Đạo diễn Nguyễn Phương Điền đã nhận ra Trúc Mây bị căng thẳng trước ống kính trong những ngày đầu, khuyên nhủ cô nên cởi bỏ áp lực, giữ tâm lý bình thường để thỏa sức sáng tạo, hóa thân tự nhiên vào nhân vật. Nhờ vậy, người đẹp 9X dần vượt qua trở ngại của việc chuẩn bị quá kỹ cho vai diễn, thả lỏng để hoàn thành tốt nhất vai trò được giao.
Nữ diễn viên trẻ cảm thấy vô cùng may mắn khi được làm việc cùng những anh chị giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề. Chính sự đồng hành của họ đã giúp vai diễn Lụa của Mây được thăng hoa hơn mỗi ngày.
‘Với chị Cao Thái Hà, hai chị em thường xuyên cùng nhau bàn bạc từng câu thoại, đo mạch cảm xúc và chỉnh sửa liên tục để tạo nên những phân đoạn thật sự ‘chạm’. Không khí làm việc tuy nghiêm túc nhưng lại rất ăn ý và đầy sự tôn trọng lẫn nhau.
Riêng với cô Hương Giang, Mây nhớ mãi cảnh hát ru má Hai ngủ. Hai cô cháu đã cùng nhau tập hát, chọn điệu phù hợp và sửa từng nhịp nhỏ. Có lúc Mây cố gắng hát điệu “hò hẻ hò hè” nhưng không đúng nhịp, cô nhẹ nhàng chỉ lại. Những khoảnh khắc ấy, Mây thấy mình được yêu thương và dạy dỗ như một người con thật sự.
Còn với anh Quang Thái trong các phân đoạn Quân và Lụa an ủi nhau – khi cả hai nhân vật đối diện với mất mát – hai anh em đã cùng ngồi lại phân tích và trao đổi rất kỹ để cảm xúc được lắng sâu và chạm tới trái tim người xem.
Được làm việc cùng những người đồng nghiệp tuyệt vời như vậy là một trải nghiệm quý giá. Mây không chỉ học được cách nhập vai mà còn học được cách sống thật với từng cảm xúc của nhân vật. Và với Lụa, Mây đã được sống hết mình.’
‘Với Mây, vai diễn Lụa không chỉ là một cột mốc trong hành trình nghề nghiệp, mà còn là một đoạn thanh xuân rất đẹp – đầy thử thách, nhưng cũng thật nhiều yêu thương.
Mây biết ơn vì đã có cơ hội được sống cùng Lụa, được làm việc với một ê-kíp nghiêm túc, tận tâm và đặc biệt là được học hỏi từ các anh chị, cô chú đầy kinh nghiệm trong nghề. Mỗi phân đoạn, mỗi cảnh quay là một bài học quý báu, giúp Mây trưởng thành hơn không chỉ trong nghề diễn mà cả trong cách nhìn nhận cuộc sống.
Hy vọng rằng, khi theo dõi phim trên sóng VTV1, khán giả sẽ cảm nhận được sự chân thành, mộc mạc mà Mây đã cố gắng gửi gắm qua từng ánh mắt, cử chỉ của Lụa. Cảm ơn chú đạo diễn Nguyễn Phương Điền đã tin tưởng, cảm ơn cả ê-kíp đã đồng hành và dìu dắt Mây trong hành trình “làm con gái của biển”.
Và cuối cùng, cảm ơn khán giả – những người luôn âm thầm theo dõi, yêu thương và ủng hộ Mây. Mây sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực hết mình để không phụ lòng mọi người!’ – Trúc Mây nói.
Trúc Mây tên thật là Trương Thị Vây, sinh năm 1994 tại Bình Định, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM chuyên ngành diễn viên, từng đoạt Huy chương bạc giải Kịch nói Toàn quốc năm 2015 với vai Kiều trong vở diễn Bông Hồng Vàng. Người đẹp từng nổi tiếng trên mạng xã hội với nhiều MV, phim ngắn có hàng triệu lượt xem như: Chút Nắng Chút Mưa (Hoàng Tôn), Tri Kỷ (Phan Mạnh Quỳnh), Người Ta Không Yêu Em Đâu (Tống Gia Vỹ), Gái Một Con, Bình Minh Cho Em, Bạn Gái Tôi Là Trùm Trường, Lời Nguyền Tuổi 17… Sau thời gian tham gia nhiều dự án, cô bén duyên với hàng loạt bộ phim điện ảnh, truyền hình được nhiều khán giả yêu thích như: Sáng Đèn (Hoàng Tuấn Cường), Đỉnh Mù Sương (Phan Anh), Cậu Chủ Ma Cà Rồng (Trần Nhân Kiên), Tìm Xác (Bùi Văn Hải), Từng Có Người Yêu Tôi Như Sinh Mệnh (Alex Bùi), Vòng Xoáy Tình Thù, Chị Em Khác Mẹ, Nắng Khuya (Nhâm Minh Hiền), Đường Về Cồn Nảy (Đỗ Phú Hải), Duyên (Nguyễn Phương Điền)…
“Mẹ biển” lấy bối cảnh cuộc sống của những ngư dân ngày đêm lênh đênh trên những con thuyền. Thế nhưng, cuộc sống bình yên ấy bỗng chốc bị đảo lộn khi cơn bão ập đến, cướp mất những người đàn ông trụ cột gia đình.
20 năm sau, Đại (NSƯT Trương Minh Quốc Thái) trở về làng sau thời gian lưu lạc và cay đắng phát hiện vợ mình – Hai Thơ (NSƯT Kim Tuyến) – đã là vợ của người mà mình căm hận nhất – Ba Sịa (Cao Minh Đạt). Đau đớn hơn thế nữa khi con trai của Đại lại xem Ba Sịa như cha mình.
Biển (Thanh Thức) cũng trở về sau 20 năm lưu lạc sau cơn bão lịch sử. Ngày đó, Biển chỉ là một cậu bé, lén trốn lên tàu để theo cha ra khơi rồi mất tích trong cơn bão. Biển trở về với gương mặt biến dạng cùng thân thể tật nguyền. Chưa kịp cảm nhận hơi ấm quê hương, anh phải đối mặt với nỗi đau khi mẹ mình, bà Hậu (Hương Giang), giờ đã hóa điên.
“Mẹ biển” không chỉ là câu chuyện về cơn bão mà còn là những trận cuồng phong trong cuộc đời mỗi người. Bên cạnh đó, phim tái hiện chân thực nhịp sống làng chài với những cảnh phim được quay kỳ công tại nhiều địa danh phía Nam.
Ngôi nhà ven biển được ê-kíp xây dựng hoàn toàn mới với từng chi tiết được làm vô cùng tỉ mỉ, sau đó bị bốc cháy và bị nhấn chìm trong cơn bão.
“Mẹ biển” đánh dấu sự tái hợp của đạo diễn, NSƯT Phương Điền cùng nhóm biên kịch Kim – Ngọc Bích, ê-kíp từng gặt hái được nhiều thành công với Mẹ Rơm.
Phim cũng quy tụ dàn diễn viên kỳ cựu và những gương mặt trẻ của màn ảnh Việt như: NSND Việt Anh, NSƯT Trương Minh Quốc Thái, NSƯT Kim Tuyến, nghệ sĩ Thanh Hiền, Hiếu Hiền, Cao Minh Đạt, Cao Thái Hà, Trúc Mây, Quang Thái…
Phim ‘Mẹ biển’ chính thức lên sóng từ 17/3 lúc 21h thứ hai đến thứ sáu trên kênh VTV1.