NTK Tia-Thuỷ Nguyễn sáng tạo kiệt tác “Hoa Đời”, lấy cảm hứng từ khả năng tái sinh trong cuộc sống
Đẹp

NTK Tia-Thuỷ Nguyễn sáng tạo kiệt tác “Hoa Đời”, lấy cảm hứng từ khả năng tái sinh trong cuộc sống

Xoay quanh việc “tái sử dụng” một đồ vật, tạo cho nó một khả năng mới, một cuộc sống mới thông qua hành động tái cấu trúc đồ vật đó, NTK Tia-Thuỷ Nguyễn đã thực hiện nên tác phẩm “Hoa Đời” bằng một tấn que hàn, triển lãm tại Pháp vào ngày 18/11.

Ở Việt Nam, Thủy Nguyễn không còn là cái tên xa lạ. Cô không chỉ được biết đến với tư cách nhà thiết kế thời trang cùng thương hiệu Thủy Design House mà còn là một nghệ sĩ với bề dày thực hành nghệ thuật đáng kể. Trước thời đại học, Tia-Thuỷ Nguyễn đã được công nhận là một “hiện tượng”. Dù chỉ mới bắt đầu đam mê với nghệ thuật nhưng các bức tranh của cô tại thời điểm ấy đã được một vài gallery lựa chọn để triển lãm. Vào những năm cuối thập kỷ 90, thời điểm vàng son của nền Mỹ thuật Việt Nam, nữ hoạ sĩ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về việc thực hành và thậm chí bán tác phẩm tại các khu trưng bày: Gallery Cafe, Gouman Gallery, Hanoi Expo Center ở Hà Nội hay Gallery Impression ở Pháp. 

Bắt đầu từ năm 2011, Tia-Thuỷ Nguyễn đã đánh dấu sự phát triển của mình trong lĩnh vực thời trang và tổ chức các triển lãm với các nghệ sĩ trẻ từ Việt Nam và quốc tế. Song song đó, cô vẫn thực hành mỹ thuật với các chất liệu sơn dầu, sơn mài… và các kỹ thuật thêu đính, phối màu phản ánh hình ảnh Việt Nam. 2019 là năm đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nữ hoạ sĩ khi mang tác phẩm đầu tiên trưng bày tại Château La Coste, Pháp, đến năm 2022, Tia-Thuỷ Nguyễn lại tiếp tục gây tiếng vang khi trở lại khu triển lãm uy tín bậc nhất thế giới này. 

Thông qua hai tác phẩm “Silver Room” (Nhà Bạc) và triển lãm “Floating in the Nothingness” (Bồng bềnh chốn Hư không) được trưng bày tại Château La Coste, cô muốn cho khán giả thấy được một khía cạnh khác về mình. Cả hai lần đến với Château La Coste đều mang tới những hiệu ứng tích cực. Điều này được minh chứng bằng việc các tác phẩm của cô đã thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập và gallery nghệ thuật. Cô là nhà hoạ sĩ hiếm hoi được mời quay lại cho lần triển lãm thứ ba sắp tới.

Buổi triển lãm có tên Hoa Đời (Flower of Life), tên gọi cũng như các tác phẩm được lấy cảm hứng từ chính cuộc sống và những mất mát của Tia-Thủy Nguyễn. Chia sẻ cụ thể, nữ họa sĩ cho biết cô nảy sinh cảm xúc và suy nghĩ về “Hoa Đời” sau sự ra đi vĩnh viễn của người cha thân yêu vào năm 2022. 

Việc ông không còn ở bên tôi đã giúp tôi quay trở lại những giá trị và kỷ niệm mà chúng tôi đã chia sẻ, và tôi đã học cách trân trọng mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Sự mất mát đã thúc đẩy tôi suy tư sâu hơn về nỗi đau, ý nghĩa của cái chết và quá trình tái sinh. Điều này cũng là nguồn cảm hứng cho tôi để phát triển tác phẩm ‘Hoa Đời’ và khám phá khả năng tái sử dụng và tái sinh trong cuộc sống, Tôi tin rằng mọi thứ trên thế giới này đều có khả năng thay đổi và phát triển, giống như một cây đã chết có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt”, Tia Thủy Nguyễn nói.

Vì lấy cảm hứng từ đời sống, nên nữ họa sĩ cho biết cô chưa bao giờ cảm thấy cạn kiệt nguồn cảm hứng. Bắt đầu theo đuổi bộ môn mỹ thuật từ năm 1999, Tia Thủy Nguyễn đã có hơn 20 năm làm về hội họa và 12 năm tham gia vào lĩnh vực thiết kế thời trang. 

Cuộc triển lãm phái sinh từ ‘Hoa Đời’ với sản phẩm nghệ thuật sắp đặt đầy dụng tâm của Tia-Thủy Nguyễn được diễn ra từ ngày 18/11 tại Château La Coste, Aix provence, Pháp. Tại đây, tác phẩm chủ đạo được nữ họa sĩ tạo nên dựa trên thân cây sồi cao 18m đã chết khô trên nẻo đường nước Pháp.

Tia Thủy Nguyễn đã tốn đến 2 năm để hoàn thiện tác phẩm dựa trên thân sồi chết khô này. Cô dựa trên cấu trúc ban đầu của thân cây, và hàn liên kết nhiều lá thép lên trên. Những người thợ sử dụng kỹ thuật hàn gò có độ khó cao để bao bọc thân cây bằng tấm thép không gỉ, tạo ra những nốt và rãnh xù xì bám vào lớp vỏ cây gồ ghề để tạo nên một vỏ bọc ánh kim ngũ sắc, lấp lánh khi ánh sáng rọi vào. Cành cây được làm với tiết diện nhỏ dần như cành cây thật, được sản xuất thủ công tại Việt Nam rồi vận chuyển sang Chateau La Coste. Hàng nghìn chiếc lá bằng thép không gỉ treo lơ lửng và “hoa” được làm từ đá thạch anh đủ sắc màu, phản quang lấp lánh. Toàn bộ quá trình mạ kim này mất hơn 3000 giờ công và gần 1 tấn que hàn. 

NTK Thủy Nguyễn thời trẻ

Triển lãm phái sinh từ ‘Hoa Đời’ bao gồm hơn 10 tác phẩm trải qua nhiều thể loại và chất liệu: phù điêu, tranh thêu hai mặt làm từ dây thép, tranh sơn dầu, đính kết… và kể một câu chuyện khác, một góc nhìn khác và nhiều kĩ thuật khác về tác phẩm ‘Hoa Đời’, nhưng vẫn giữ nguyên câu chuyện về năng lượng và cuộc chơi với ánh sáng.

Nói về thành tựu trên, nữ họa sĩ tâm sự: “Điều tôi tự hào nhất là đã góp một phần công sức đưa khán giả quốc tế đến gần hơn với nền mỹ thuật nước nhà. Những khoảnh khắc này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ và động lực sáng tạo của nghệ sĩ Việt Nam”.